Tổng quan bệnh lý đái tháo đường ( tiểu đường )

Có thể thấy rằng bệnh đái tháo đường là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Bạn nên đến bệnh viện kiểm tra khi nhận thấy sức khỏe xuất hiện triệu chứng của bệnh đái tháo đường. Chăm sóc sức khỏe chính mình và gia đình, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

1. Bệnh đái tháo đường là gì? Có những loại nào?

Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) là một rối loạn chuyển hóa do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin một cách hiệu quả. Insulin là hormone quan trọng giúp cơ thể sử dụng đường trong máu để tạo năng lượng, khi mức đường trong máu tăng cao, sẽ gây tổn thương cho nhiều cơ quan và bộ phận trong cơ thể.

Đái tháo đường có thể chia thành 3 loại thường gặp bao gồm:
– Đái tháo đường type 1: do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối.
– Đái tháo đường type 2: do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.
– Đái tháo đường thai kỳ: được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường type 1, type 2 trước đó.

2. Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường

– Yếu tố gen: người có người thân mắc tiểu đường có nguy cơ cao hơn.
– Lối sống và dinh dưỡng: lối sống ít vận động, chế độ ăn nhiều đường và chất béo có thể tăng nguy cơ mắc tiểu đường.
– Thừa cân và béo phì: thừa cân, đặc biệt là mỡ ở bụng, là yếu tố nguy cơ.
– Tuổi tác: người cao tuổi thường có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn.

3. Phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường

Tùy vào tình trạng bệnh lý và sức khỏe người bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét, lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp.
– Đối với đái tháo đường type 1, người bệnh được chỉ định dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại vì cơ thể đã không còn khả năng tự sản xuất insulin.
– Đối với đái tháo đường type 2, duy trì chế độ dinh dưỡng và tập luyện để kiểm soát lượng đường kết hợp sử dụng thêm thuốc uống hoặc tiêm theo chỉ định để ổn định lượng đường trong máu.
– Đối với đái tháo đường thai kỳ, mẹ cần hạn chế ăn tinh bột, chia nhỏ bữa ăn, bổ sung thức ăn nhiều chất xơ, rau tươi, ít chất béo và áp dụng điều trị bệnh theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.